SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ TƯ TUẦN I MÙA VỌNG
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (15,29-37)
29 Khi ấy, Đức Giê-su đến ven Biển Hồ Ga-li-lê. Người lên núi và ngồi ở đó. 30 Dân chúng lũ lượt kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, 31 khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en. 32 Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường”. 33 Các môn đệ thưa: “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?”. 34 Đức Giê-su hỏi: “Anh em có mấy cái bánh?”. Các ông đáp: “Thưa có bảy cái bánh và một ít cá nhỏ”. 35 Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. 36 Rồi Người cầm lấy bảy cái bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. 37 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.
SUY NIỆM
Chúa Giêsu Kitô, qua ngòi bút của thánh sử Matthêu, tiếp tục được bày tỏ dung mạo của Đấng Messia đến và ở giữa thực tại con người, cụ thể qua phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai, nuôi 4000 ngàn người ăn, chưa kể phụ nữ và trẻ em. Quả thật, mẫu số chung cho mỗi lần phép lạ được thực hiện, đều là “cuộc hạnh ngộ” giữa lòng thương xót của Thiên Chúa và khả năng cộng tác, góp phần của các môn đệ, trước những nhu cầu hết sức chính đáng của dân Chúa.
Phép lạ tiếp tục là hình bóng của bí tích Thánh thể, mà chính Chúa Giêsu sẽ thiết lập sau này, khi bước vào hành trình tử nạn và phục sinh, để hoàn tất thời gian cứu độ trong trần gian. Chính qua các môn đệ của Chúa, mà tình yêu và quyền năng của Người sẽ tiếp tục nối dài trong lịch sử cứu độ, của Giáo hội giữa lòng nhân loại, cho đến ngày cánh chung. Có thể nói, cuộc hạnh ngộ sẽ gieo duyên, khi ta biết tìm ra lối đi và trao ban khả năng nuôi sống và “sống dồi dào”, trong cử chỉ “tạ ơn - bẻ ra - trao ban”. Nếu hiểu cách giản dị và đời thường thì đó chính là: Trong tâm tình tạ ơn, cùng dâng về Chúa những của lễ vật chất, là cuộc đời người môn đệ; để trong bàn tay ân sủng, chắt lọc và nhào nắn của Chúa, mà lễ dâng được chuyển hóa từ bên trong, sẽ nhân lên gấp nhiều lần; từ đó, chuyển trao sức “sống dồi dào” đến từng anh chị em.
“Cầu cho những người hành hương hy vọng”. Đó là ý chỉ cầu nguyện của Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi hiệp thông cử hành trong tháng 12 năm 2024. Điều này như hướng tâm tình cụ thể vào chủ đề Năm Thánh 2025 của Giáo hội hoàn vũ: “Những người hành hương của hy vọng”. Một thời gian ân sủng sẽ được khai mở chính thức vào thánh lễ đêm Vọng Giáng Sinh năm nay, tại đền thờ thánh Phêrô ở Roma. Cùng sống tâm tình khát khao đón chờ Chúa đến trong bầu khí Mùa Vọng, cụ thể trong ân sủng của Năm Thánh, không gì khác hơn cho mỗi Kitô hữu, đó là ý thức và cử hành lời mời gọi của vị Cha chung: “Để Năm Thánh mở ra cho chúng ta sự tăng cường về đức tin, giúp chúng ta nhận biết Đức Kitô phục sinh ở giữa cuộc đời chúng ta, biến đổi chúng ta thành những người hành hương đầy hy vọng Kitô giáo”.
Cầu xin cho mỗi người chúng ta, mau mắn ghi tên mình vào cuộc hành hương thánh thiện này, để trở nên niềm hy vọng sống động từng ngày giữa đời, trong việc cử hành “tạ ơn - bẻ ra - trao ban”, từ Nguồn hy vọng Giêsu. Amen.